Cũng giống như bao món skincare, trước khi mua kem chống nắng, chúng mình luôn cần quan tâm đến bảng thành phần của sản phẩm đúng không? Tuy nhiên, kem chống nắng lại đặc biệt hơn nè, ngoài bảng thành phần, các chỉ số trong kem chống nắng như SPF, Broad Spectrum hay PA cũng là những điềm cần phải xem xét để có được sự lựa chọn phù hợp nhất với làn da nhé.
Tia UVs là gì? Có bao nhiêu loại tia UVs?
Trước khi đến với những chỉ số của kem chống nắng, hãy cùng tìm hiểu xem tại sao mà người người nhà nhà đều được khuyên là nên sử dụng kem chống nắng ở mọi lúc, mọi nơi nhé. UV (Ultraviolet hay còn gọi là bức xạ tia cực tím) là một dạng bức xạ điện từ bắt nguồn chính từ mặt trời cũng như một số nguồn nhân tạo khác nữa. Bức xạ UV được chia thành 3 nhóm chính:
- Tia UVA: Có ít năng lượng nhất trong các tia UVs. Tia này lại có khả năng làm cho da bị lão hóa và có thể gây ra một số tổn thương gián tiếp cho DNA của tế bào. Ngoài ra, tia này liên quan chủ yếu đến những tổn thương lâu dài như nếp nhăn và một số bệnh ung thư da.
- Tia UVB: Có năng lượng nhiều hơn tia UVA, có khả năng làm hỏng DNA trong tế bào trực tiếp đồng thời cũng là tác nhân chính của tình trạng cháy nắng và hầu hết các bệnh ung thư da.
- Tia UVC: Có nhiều năng lượng hơn các loại tia UV khác. Tuy nhiên, vì đặc tính này mà chúng phản ứng với ozone cao trong bầu khí quyển của chúng ta và không chạm tới mặt đất, vì vậy chúng thường không phải là một yếu tố nguy cơ gây ung thư da. Tuy nhiên tia UVC lại có thể đến từ một số nguồn nhân tạo như đèn thủy ngân hay bóng đèn khử trùng UV.
Như chúng ta đều biết ánh sáng mặt trời là nguồn chính của bức xạ UV, mặc dù tia UV chỉ chiếm một phần nhỏ trong tia nắng mặt trời thôi. Khoảng 95% tia UV từ mặt trời chiếu xuống mặt đất là tia UVA, 5% còn lại là tia UVB. Ngoài ra, cường độ của tia UVs tới mặt đất còn phụ thuộc vào 1 số yếu tố khác nữa và mức độ tiếp xúc với tia UVs của mỗi người đương nhiên sẽ khác nhau phụ thuộc vào những yếu tố dưới đây cũng như phụ thuộc vào việc bạn có bảo vệ làn da bằng quần áo và kem chống nắng không nhé.
- Thời gian trong ngày: Tia UV mạnh nhất từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Các mùa trong năm: Tia UV thường sẽ có xu hướng mạnh hơn trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 6 (mùa xuân và mùa hè).
- Khoảng cách từ đường xích đạo: Khi vị trí của bạn ở càng xa đường xích đạo thì khả năng tiếp xúc với tia UV của làn da càng thấp.
- Độ cao: Nhiều tia UV đến mặt đất hơn ở độ cao hơn.
- Mây: Ảnh hưởng của mây có thể khác nhau, nhưng điều quan trọng bạn cần biết là tia UV có thể xuyên qua mặt đất, ngay cả trong những mây nhiều, âm u, không có nắng.
- Phản xạ lại những bề mặt khác nhau: Tia UV có thể phản xạ lại các bề mặt như nước, cát, tuyết, vỉa hè hoặc thậm chí là cỏ, dẫn đến tăng khả năng tiếp xúc với tia UV.
Ý nghĩa của chỉ số SPF trong kem chống nắng là gì?
SPF (Sun Protection Factor) hay còn biết đến với tên gọi là “Chỉ số chống nắng” là thước đo mức độ mà kem chống nắng sẽ bảo vệ da khỏi tia UVB, tia bức xạ gây ra cháy nắng, làm tổn thương da cũng như góp phần gây ung thư da. Có 1 lưu ý rằng, thang điểm SPF (hệ số bảo vệ chống nắng) không phải là tuyến tính bạn nhé:
- SPF 15 giúp da chống lại khoảng 93% tia UVB.
- SPF 30 giúp da chống lại khoảng 97% tia UVB.
- SPF 50 giúp da chống lại khoảng 98% tia UVB.
Nếu nhìn vảo chỉ số này, bạn sẽ thấy rằng kem chống nắng với chỉ số SPF30 giúp bạn bảo vệ da nhiều hơn 4% so với kem chống nắng SPF15 và chỉ ít hơn 1% so với SPF50. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy, chúng ta cần xét đến thời gian mà các chỉ số này có thể bảo vệ da nữa nhé:
- SPF 15 giúp da chống lại tia UVs trong khoảng 2,5 tiếng (150 phút).
- SPF 30 giúp da chống lại tia UVs trong khoảng 3 tiếng (300 phút).
- SPF 50 giúp da chống lại tia UVs trong khoảng 8 tiếng (500 phút).
Tất nhiên, những chỉ số này cũng chỉ là tương đối, đặc biệt là lượng phút mà nhà sản xuất đưa ra chỉ tính trong tầm 15-20 phút đầu tiên thôi. Sau đó thì mô hôi, khói bụi khả năng này cũng sẽ giảm dần. Nói chung, tất cả còn phụ thuộc vào từng môi trường, hoàn cảnh sinh hoạt cũng như cách bạn bôi kem chống nắng nữa nhé. Bạn cần nhớ da mặt và da cổ cần khoảng 1/4 muỗng kem trong khi kem body sẽ cần khoảng 2 muỗng kem đấy nhé.
Ý nghĩa của chỉ số Broad Spectrum trong kem chống nắng là gì?
Đọc đến đây, có lẽ bạn đang phân vân vậy khả năng bảo vệ tia UVA đâu rồi? Chẳng nhẽ trước giờ chúng mình dùng kem chống nắng mà vẫn để tia UVA tấn công vào da? Thực tế thì, vào khoảng nhiều năm về trước, các nhà khoa học không nhận thấy được sự nguy hiểm của những bức xạ UVA gây lên trên da nên vẫn nghiễm nhiên công nhận những chỉ số SPF. Cho đến một vài năm gần đây , cuối cùng thì thuật ngữ Broad Spectrum (Chống nắng quang phổ rộng) cũng được ra đời.
Broad Spectrum hay chống nắng quang phổ rộng chính là chỉ số thay cho lời tuyên bố rằng kem chống nắng này có khả năng bảo vệ da khỏi cả 2 tia UVA và UVB. Vào năm 2011, FDA đã đưa ra quy định chỉ những kem chống nắng nào được thiết kế với những thành phần có khả năng chống lại cả tia UVA và UVB thì mới được gắn mác ‘broad spectrum’ lên bao bì sản phẩm. Vậy nên, nếu bạn đang sở hữu một sản phẩm kem chống nắng với chỉ số SPF 3+ và có cộp mác broad spectrum thì có thể tiếp tục yên tâm sử dụng nhé.
Ý nghĩa của chỉ số PA trong kem chống nắng là gì?
PA (Protection Grade of UVA) là chỉ số tượng trưng cho khả năng lọc tia UVA. Chỉ số PA được bắt nguồn từ Nhật Bản vào năm 1996, là một sự khẳng định cho việc sản phẩm kem chống nắng đó có khả năng bảo vệ da khỏi những tác động từ tia UVA. Chỉ số này hiện nay đang khá phổ biến tại Hàn Quốc và Nhật Bản. “Thang điểm” PA được đánh giá bằng những dấu + có nghĩa như sau:
- PA +: Có khả năng bảo vệ khỏi tia UVA thấp.
- PA ++: Có khả năng bảo vệ khỏi tia UVA vừa phải.
- PA +++: Có khả năng bảo vệ khỏi tia UVA cao.
- PA ++++: Có khả năng bảo vệ khỏi tia UVA cực cao.
Chỉ số PA có một mối liên hệ tương quan trực tiếp với một chỉ số gọi là PPD (Persistent Pigment Darkening) – là lượng tia UVA sẽ tiếp xúc với da sau khi đã thoa kem chống nắng. Có nghĩa là chỉ số PA chỉ đo lường được lượng tia UVA tiếp xúc với da gây ra rám và sạm da sau khi đã sử dụng kem chống nắng từ 2-4 giờ. Sản phẩm có điểm PPD càng cao chứng tỏ khả năng da phải tiếp xúc với tia UVA dẫn đến sạm da càng thấp. Sự tương quan giữa PA và PPD sẽ được tính như sau:
- PA+ ~ PPD từ 2-4.
- PA++ ~ PPD từ 4-8.
- PA+++ ~ PPD từ 8-16.
- PA++++ ~ PPD 16 trở lên.
Tại sao một số dòng kem chống nắng không có chỉ số PA?
Câu trả lời chính là không phải quốc gia nào cũng chấp thuận chỉ số PA cũng như cách mà PA được đo lường bạn nhé. Đơn giản vì là không phải da của tất cả chúng ta sẽ bị sạm hay rám sau khi tiếp xúc với tia UVA, một số làn da sẽ trở nên sậm màu hơn so với những làn da khác, hoặc một số làn da cũng sẽ mất một thời gian lâu hơn để bị rám so với những làn da khác. Điều này đẫn đến một thực tế là chỉ số PA thực sự sẽ không nhất quán giữ những người sử dụng.
Ngoài ra, không giống với chỉ số SPF là chúng ta có thể áng chừng được khoảng thời gian mà làn da sẽ được bảo vệ dưới ánh nắng mặt trời sau khi sử dụng kem chống nắng. Chỉ số PA thì không nói lên được điều này. Cũng có nghĩa là chỉ số PA này thực sự có ý nghĩa trong bao lâu cũng không ai thực sự biết cả.
Và cuối cùng, ở hầu hết các quốc gia, nhà sản xuất sẽ sử dụng SPF có Broad Spectrum để biểu thị cho khả năng chống lại cả 2 tia UVA và UVB. Hoặc cũng có quốc gia sử dụng kí hiệu UVA/UVB hoặc UVA1, UVA2 cho sản phẩm của họ. FDA cũng đã tuyên bố những sản phẩm kem chống nắng quang phổ rộng với chỉ số SPF từ 15 trở lên đã được chứng minh là có khả năng đẩy lùi ung thư da cũng như những dấu hiệu lão hóa da sớm thực sự hiệu quả.
Có phải kem chống nắng có chỉ số SPF càng cao thì càng bảo vệ tốt?
Điều này thực sự là không cần thiết. Mặc dù về mặt lý thuyết, SPF càng cao thì khả năng ngăn chặn tia UVB càng nhiều, nhưng thực tế thì “lợi nhuận” sẽ càng giảm khi chỉ số dần tăng lên. Ví dụ, như ở phía trên bạn đã thấy có sự khác biệt lớn giữa SPF15 so với 30 nhưng thực sự chỉ là chênh lệch 1% giữa SPF30 với 50 mà thôi.
Ngoài ra, nếu xét về mặt thời gian, đúng là chỉ số SPF càng cao thì thời gian làn da được bảo vệ khỏi ánh nắng mặt trời sẽ càng lâu. Và điều này dẫn đến một thực tế là “sự chủ quan theo bản năng của con người” sẽ trỗi dậy. Có nghĩa là chúng ta thường hay yên tâm rằng SPF 50 có thể bảo vệ da trong vòng 8 tiếng hay SPF 100 có thể bảo vệ da đến 16 tiếng. Nhưng cũng hãy đọc lại kĩ phần mình đã phân tích ở trên nhé, những chỉ số này chỉ là tương đối và chỉ có tính chính xác sau từ 2-4 tiếng thoa kem chống nắng thôi. Sau đó, mồ hôi rồi những tác nhân từ môi trường cũng sẽ làm giảm khả năng của kem chống nắng xuống đó nè.
Một nghịch lí nữa chính là SPF càng cao thì khả năng chống lại tia UVA càng thấp đó bạn ạ, trong khi việc da phải “đồng hành” cũng những hoạt chất chống nắng trong khoảng thời gian dài lại càng nhiều. Điều này về lâu dài sẽ khiến da bị bí, lỗ chân lông bị bít tắc dẫn đến kích ứng cũng như nổi mụn nữa nha. Và tất nhiên là chẳng ai mong muốn điều này rồi phải không. Thế nên, hãy suy nghĩ thật cẩn thận trước khi chọn mua sản phẩm kem chống nắng phù hợp với từng nhu cầu khác nhau của làn da bạn nhé. Cá nhân mình thì vẫn quan tâm đến việc kem chống nắng đó có chỉ số PA+++ và có được gắn mác Broad Spectrum không hơn là đầu tư vào những chỉ số SPF cao ngất ngưởng.
Đôi lời kết
Cũng giống như việc ăn cơm hàng ngày, cho da “ăn” kem chống nắng là bước skincare cần thiết đối với mọi người, mọi làn da, ở mọi lúc và mọi nơi. Những chỉ số ở trên kem chống nắng thể hiện khả năng bảo vệ tia UVA và UVB khác nhau của từng sản phẩm. Và sau một thời gian dài thử nghiệm cũng tương đối các sản phẩm kem chống nắng, mình vẫn tin tưởng vào những em được thiết kế với chỉ số dao động từ SPF 35 đến 50 và có gắn mác broad spectrum, hoặc là PA+++ bạn nhé, để đảm bảo da được bảo vệ đầy đủ và sẽ ít có khả năng bị ích ứng nè. Quan trọng nhất mình vẫn luôn nhắc đi nhắc lại chính là phải thoa lại kem chống nắng mỗi 2-4 tiếng tùy vào hoàn cảnh sinh hoạt cụ thể bạn nhé.
Nếu bạn muốn có thêm những gợi ý hay ho cho các sản phẩm kem chống nắng đang hot hit trên thị trường với những chỉ số chuẩn chỉnh thì có thể tham khảo tại đây nhé:
Nếu thực sự thích bài viết, đừng ngại mà hãy chia sẻ rộng rãi cho chị em bạn dì cùng được cập nhật những kiến thức hữu ích và cũng đừng quên thường xuyên ghé góc Làm đẹp của Blogphunu.edu.vn để xem chúng mình sẽ tiếp tục chia sẻ những điều thú vị gì nha.