Có phải các nàng hay bắt gặp những em mụn sưng đau nhưng lại không có nhân để nặn? Hay những “bé” mụn cứng đầu không thể nào nặn được không? Vậy là các nàng đã gặp phải mụn chai và mụn không nhân rồi đó. Hai loại mụn này nếu không biết cách xử lý có thể dẫn đến viêm lây lan và khiến làn da thêm tồi tệ. Nhưng đừng lo vì Blogphunu.edu.vn để chỉ cho bạn cách hay để trị loại mụn này ngay nhé!
Mụn chai và mụn không nhân là gì?
Mụn chai được biết đến là một biến thể nặng hơn của mụn thông thường với đặc điểm giống như một vết chai trên da, không nhô lên cũng không lặn xuống và không thể thấy được nhân mụn. Loại mụn này được hình thành từ quá trình dày sừng quá độ khiến cho nhân mụn không thể nào trồi lên da được. Theo thời gian chúng không biến mất nếu không được xử lý, lâu dần sẽ tạo thành sẹo trên da.
Mụn chai được chia thành hai loại:
- Mụn chai không viêm: sẽ có nhân màu trắng hoặc vàng, dễ dàng nặn và không để lại sẹo khi nặn.
- Mụn chai viêm: loại mụn này sẽ sảy ra hai trường hợp, có nhân và không nhân. Với mụn chai viêm có nhân thì mụn vẫn còn nhân màu trắng vàng cùng máu bầm và mủ. Thế nhưng mụn chai không nhân thì phần nhân đã bị tiêu biến và để lại mủ và máu bầm.
Mụn không nhân là một biến thể nặng của mụn trứng cá, loại mụn này hình thành do vi khuẩn phát triển ở trong nang lông từ đó gây phản ứng viêm ở sâu dưới biểu bì da. Loại mụn này thường xuất hiện dưới da tạo nên một bọng mụn lớn, gây đau nhức nhưng khi nặn ra lại không có nhân. Mụn không nhân thường xuất hiện ở vùng cằm, vùng rìa quanh chân tóc và thường mọc theo từng cụm.
Mụn không nhân là một loại mụn nguy hiểm bởi vùng viêm của mụn nằm sâu dưới da khiến cho việc xử lý khó khăn hơn. Loại mụn này tuyệt đối không được nặn, vì sẽ làm lây lan vùng viêm, và nếu không được xử lý đúng cách mụn không nhân có thể biến thành mụn chai.
Nguyên nhân gây ra mụn không nhân và mụn chai
Nguyên nhân gây ra mụn chai
Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra mụn chai đó là sử dụng sai các loại chấm mụn. Thông thường nhiều người rất hay sử dụng sản phẩm chấm mụn chứa kháng sinh và chất Benzoyl Peroxide lên những “bé” mụn chưa lộ đầu trắng. Điều đó dẫn đến Benzoyl Peroxide sẽ tiêu diệt các tế bào khỏe mạnh và tạo nên một lớp sừng trên da khiến cho mụn bị chai.
Ngoài ra, khi sử dụng Benzoyl Peroxide, nhiều người sẽ lấy một lượng rất dày bôi lên vùng mụn với hy vọng thuốc sẽ có tác dụng nhanh hơn. Nhưng điều đó chỉ khiến cho vùng da quanh mụn ngày càng dày sừng lên và dẫn đến chai. Khi sử dụng Benzoyl Peroxide ta nên dùng một chiếc tăm bông, nhẹ nhàng bôi lên đầu mụn đã lộ đầu trắng một lớp rất mỏng.
Một nguyên nhân khác dẫn đến mụn chai đó chính là việc nặn mụn không đúng cách. Khi các bạn nặn mụn nhưng vẫn để lại vùng máu bầm và mủ, lâu dần dẫn đến ứ đọng và trở thành những nốt mụn chai viêm không nhân. Mụn chai còn có thể hình thành do bạn nặn mụn không dứt khoát nữa.
Và có đôi khi, mụn chai hình thành ngay cả khi bạn không làm gì cả. Kì lạ phải không? Nhưng đấy là sự thật đó, có thể bạn đã làm sạch da nhưng không tẩy tế bào chết vẫn có thể hình thành mụn chai. Hay do yếu tố di truyền mà xuất hiện những loại mụn này. Hoặc ngay cả khi bạn nặn mụn rất kĩ nhưng khả năng xuất hiện mụn chai vẫn sẽ có.
Nguyên nhân gây ra mụn không nhân
Mụn không nhân được hình thành do rất nhiều lý do, nhưng phổ biến nhất vẫn là do căng thẳng và stress kéo dài. Khi bạn căng thẳng và stress trong một khoảng thời gian thì cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều chất Histamin – một chất gây hại cho làn da. Từ đó dẫn đến không chỉ da và tinh thần bạn xuống dốc mà còn mọc lên những “bé” mụn không nhân đáng ghét.
Khi bạn stress và căng thẳng sẽ dẫn đến cơ thể bị mất ngủ, chán ăn. Lúc đó hàng rào bảo vệ da của bạn dần dần yếu đi, cơ thể không thể cung cấp được dưỡng chất cho da “giúp” vi khuẩn dễ dàng thâm nhập và gây nên viêm và mụn.
Phần lớn mụn không nhân sẽ xuất hiện ở các bạn nữ vào những ngày gần ngày đèn đỏ. Bởi lẽ khi đó, cơ thể bị rối loạn nội tiết tố, da trở nên đổ nhiều dầu hơn và lỗ chân lông cũng mở rộng hơn dẫn đến việc bít tắc lỗ chân lông.
Mụn không nhân còn được hình thành khi bạn chăm sóc da hời hợt. Khi da mặt bạn không được vệ sinh sạch sẽ và tẩy tế bào chết thường xuyên sẽ khiến khiến lớp sừng trên bề mặt da ngày càng dày. Vì vậy khi vi khuẩn tích tụ trên da và gây ra phản ứng viêm thì nhân mụn không thể trồi lên bề mặt da.
Cách xử lý mụn không nhân và mụn chai
Đối với mụn chai thì về cơ bản, ta chỉ cần loại bỏ lớp sừng ngăn không cho nhân mụn trồi lên là được. Vậy để loại bỏ mụn chai ta làm như sau:
- Vệ sinh da mặt sạch sẽ với sữa rửa mặt và nước tẩy trang.
- Sử dụng các hoạt chất BHA, AHA, Retinol chấm lên nốt mụn để làm mỏng lớp chai trên bề mặt mụn.
- Khi mụn xuất hiện đầu trắng mới bắt đầu chấm hoạt chất Benzoyl Peroxide lên để làm khô cồi mụn.
- Sử dụng loại kem dưỡng mỏng nhẹ, khô thoáng.
- Kiên trì từ 1-2 tuần sẽ thấy kết quả rõ ràng.
Lưu ý
- Nên sử dụng các hoạt chất với nồng độ cao để đẩy nhanh quá trình hình thành mụn.
- Chỉ chấm vào nốt mụn, không bôi toàn mặt.
- Sử dụng kem chống nắng vào buổi sáng.
Đối với mụn không nhân sẽ có phần phức tạp hơn bởi ổ nhân ở sâu dưới da và khó xử lý. Mình khuyên các bạn không tự ý lấy mụn ở nhà, việc dụng cụ và tay chúng ta không đủ vệ sinh sẽ dẫn đến viêm nhiễm lây lan, tạo nên sẹo và thâm.
Cách 1: áp dụng khi nốt mụn mới xuất hiện, chưa đỏ hẳn
- Vệ sinh da mặt sạch sẽ với sữa rửa mặt và nước tẩy trang.
- Sử dụng hoạt chất như BHA nồng độ trên 9%, Adapalene, Tretinol hoặc chấm mụn chứa kháng sinh chấm vào đầu mụn để mau lành và đẩy nhân mụn lên trên.
- Sử dụng kem dưỡng mỏng nhẹ, không gây bít tắc lỗ chân lông và không có gốc dầu.
Cách 2: áp dụng khi mụn đã sưng to, gây đau
- Vệ sinh da mặt sạch sẽ với sữa rửa mặt và nước tẩy trang.
- Thực hiện chấm mụn với các hoạt chất như trên để đẩy nhanh quá trình chín của mụn.
- Đến các cơ sở sapa chích mụn và lấy nhân mụn khi mụn chín.
- Không tự ý lấy nhân mụn ở nhà, sẽ gây lan vùng viêm.
Xem thêm các bài xử lý mụn khác trên Blogphunu.edu.vn tại đây:
Đừng quên theo dõi Blogphunu.edu.vn để biết thêm nhiều cách làm đẹp và chăm sóc da hơn nhé!