Sẹo mụn trên mặt, ngực và lưng rất phổ biến. Khoảng 80% những người trong độ tuổi từ 11 đến 30 sẽ bị mụn trứng cá và 1/5 trong số những người này sẽ bị sẹo. Giảm sẹo cần điều trị bằng thuốc không kê đơn và một vài thủ thuật do bác sĩ da liễu thực hiện. Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa sẹo mụn nhé!
Nguyên nhân gây ra mụn trứng cá
Tổn thương do mụn trứng cá (mụn bọc) phát triển khi vi khuẩn, dầu và da chết tích tụ làm viêm lỗ chân lông (các lỗ nhỏ trên da của bạn), qua đó dầu và mồ hôi nổi lên trên bề mặt. Khoảng 40.000 tế bào rơi ra khỏi da của bạn mỗi giờ, nhưng đôi khi, những tế bào chết đó làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Đôi khi lỗ chân lông bị tắc nhỏ và dẫn đến “mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen”. Đôi khi các lỗ chân lông này bị viêm và dẫn đến các loại mụn khác.
Mụn trứng cá là tình trạng da phổ biến nhất trên thế giới. Khoảng 80% những người trong độ tuổi từ 11 đến 30 sẽ gặp phải tình trạng này. Thanh thiếu niên bị mụn trứng cá do thay đổi nội tiết tố. Người trưởng thành bị mụn chủ yếu do căng thẳng, môi trường, chu kỳ kinh nguyệt, các sản phẩm làm từ dầu và thuốc tránh thai, mặc dù hormone vẫn có thể đóng một vai trò nào đó.
Các loại mụn trứng cá
Mụn trứng cá có nhiều dạng khác nhau. Mụn đầu trắng (Whiteheads) và mụn đầu đen (blackheads) là những dạng điển hình và có xu hướng dễ lành hơn. Ngoài ra, những loại mụn sau đây có khả năng sẽ để lại sẹo mụn:
- Nốt sần (Papules): Các nang mụn nhỏ có màu hồng hoặc đỏ, đau khi bạn chạm vào.
- Mụn mủ (Pustules): Các nang mụn chứa đầy mủ. Chúng có màu đỏ ở phần gốc và màu trắng hoặc vàng ở phần trên.
- Mụn bọc (Nodules): Mụn bọc lớn hơn nốt sần và mụn mủ, có thể gây tổn thương nhiều hơn vì chúng ăn sâu vào da.
- Mụn trứng cá dạng nang (Cysts): Mụn trứng cá dạng nang nằm sâu trong da. Dạng mụn này gây đau đớn, chứa đầy mủ và rất có thể để lại sẹo.
Sẹo mụn hình thành như thế nào?
Da là cơ quan có kích thước lớn nhất trong cơ thể của bạn. Nó có ba lớp chính, bắt đầu với lớp ngoài cùng là lớp biểu bì, đến lớp trung bì và lớp hạ bì. Các lớp này sẽ có nhiệm vụ bảo vệ các bộ phận bên trong mỏng manh của bạn khỏi các nguy cơ, tia UV và vi khuẩn, đồng thời chúng cũng giúp sản xuất vitamin D nhờ ánh sáng mặt trời. Bất kỳ khu vực nào có tuyến bã nhờn đều dễ bị nổi mụn – đặc biệt là mặt, lưng và ngực.
Sẹo mụn là kết quả của quá trình sưng tấy do mụn gây ra. Các lỗ chân lông sưng lên và xảy ra hiện tượng vỡ ở thành lỗ chân lông. Một số vết mụn nhỏ tạo ra sẹo nông nên nhanh lành. Nhưng đôi khi chất bên trong của mụn tràn vào mô xung quanh và gây ra những vết sẹo sâu hơn. Phản ứng của da là sửa chữa vết sẹo bằng cách hình thành các sợi collagen mới.
Sẹo mụn trứng cá có hai dạng chính: hoặc là sẹo hình thành khi mất mô, dẫn đến vết lõm trên bề mặt da; hoặc sẹo phát triển nhô lên trên bề mặt da. Trên thực tế, loại sẹo mụn này là một dấu hiệu cho thấy làn da của bạn đang thực hiện công việc của nó rất tốt. Nhưng đôi lúc, làm việc quá tốt mới gây ra vấn đề. Da của bạn tạo ra collagen “sửa chữa mô” để giúp chữa lành vết thương từ mụn trứng cá – nhưng nếu nó tạo ra quá nhiều collagen thì đồng nghĩa với việc tạo ra sẹo mụn.
Nhưng đừng quá lo lắng, không phải cứ ai bị mụn là sẽ có sẹo mụn. Chỉ có khoảng 1/5 trong tổng số người bị mụn mới gặp phải sẹo mụn. Cho dù bạn có ở trong nhóm bị sẹo này thì hãy an tâm vì các vết sẹo mụn này không phải là sẹo vĩnh viễn. Có rất nhiều phương pháp chữa trị sẹo mụn rất hiệu quả đều có sẵn trên thị trường. Một số phương pháp điều trị gần như loại bỏ các vết sẹo ngay lập tức, trong khi một vài phương pháp khác giúp da tự chữa lành bằng collagen của chính nó.
Các loại sẹo mụn trứng cá
Nếu bị sẹo mụn, thường thì bạn sẽ mắc từ hai loại sẹo mụn trở lên cùng lúc. Ít ai chỉ mắc duy nhất một loại sẹo mụn. Mỗi loại sẹo đều có cách chữa trị khác nhau và hiệu quả cũng khác nhau.
Sẹo rỗ hoặc sẹo lõm bao gồm:
- Sẹo rỗ chân đá nhọn – Ice pick Scar: Sẹo rỗ chân đá nhọn là dạng sẹo rỗ sâu, vết sẹo nhỏ. Dạng vết sẹo này giống như tên gọi của nó, thoạt nhìn giống như có ai đó dùng đục đá đâm mạnh vào da. Vết lõm sẹo sâu dần về phía da và càng ngày càng hẹp. Dạng sẹo này rất phổ biến, và cũng là một trong những vết sẹo khó chữa lành nhất. Sẹo rỗ chân đá nhọn thường xuất hiện nhiều trên trán, má trên và những nơi có da mỏng hơn.
- Sẹo rỗ hình lượn sóng – Rolling Scar: Những vết sẹo này thường xuất hiện nhiều ở má dưới và hàm, những vùng da dày hơn. Các vết lõm có cạnh dốc làm cho da trông không đồng đều và gợn sóng.
- Sẹo rỗ chân vuông – Boxcar Scar: Sẹo rỗ chân vuông là những vết lõm có cạnh sắc hơn, miệng sẹo rộng hơn. Những vết sẹo này thường gặp ở phần hàm dưới.
Sẹo phì đại hoặc sẹo lồi: Những tổn thương mô sẹo này trồi lên da. Chúng được tạo ra khi các mô sợi, collagen, trong vùng da phát triển quá mức. Những vết sẹo này thường xuất hiện trên ngực, lưng, vai và quai hàm. Khi chạm vào có thể cảm thấy ngứa, mềm hoặc đau.
Phương pháp điều trị tại nhà nào hiệu quả nhất để loại bỏ sẹo mụn?
Thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ da liễu của bạn về loại nào tốt nhất cho loại da của bạn và loại sẹo của bạn. Có rất nhiều loại kem bôi hiệu quả trên thị trường. Chúng bao gồm các hóa chất sau hoặc kết hợp của chúng:
- Axit alpha hydroxy.
- Axit lactic.
- Retinoids.
- Axit salicylic.
Bạn cũng có thể chọn cách che vết sẹo bằng kem che khuyết điểm.
Phương pháp điều trị tại phòng khám nào hiệu quả nhất để cải thiện sẹo mụn?
Có rất nhiều quy trình thẩm mỹ để lựa chọn. Bạn và bác sĩ da liễu của bạn sẽ thảo luận về các lựa chọn tốt nhất cho vết sẹo mụn trứng cá của bạn. Không có gì lạ khi một bệnh nhân phải lặp đi lặp lại các quy trình chăm sóc hoặc cần phải kết hợp nhiều loại quy trình để phục hồi làn da của họ.
Tái tạo bề mặt da:
- Lột da hóa học (peel da): Phương pháp điều trị này sử dụng các hóa chất đặc biệt để loại bỏ lớp da cũ trên cùng. Thông thường, bất cứ khi nào lớp trên cùng bị loại bỏ, lớp da mới mọc lên sẽ mịn hơn và ít sẹo hơn.
- Phương pháp mài mòn da: Phương pháp điều trị này sử dụng một công cụ đặc biệt tạo ra ma sát để loại bỏ các lớp da trên cùng, giống như máy chà nhám loại bỏ các lớp trên cùng của một tấm ván gỗ.
- Phương pháp siêu mài mòn da: tương tự như mài mòn da, sử dụng một máy đặc biệt để loại bỏ lớp trên của da.
- Tái tạo bề mặt da bằng tia laser: Tia laser truyền nhiệt đến collagen bị sẹo dưới da. Điều này dựa vào phản ứng chữa lành vết thương của cơ thể để tạo ra collagen mới khỏe mạnh. Phương pháp này kích thích sự phát triển của da mới để thay thế lớp da cũ. Có hai loại tái tạo bề mặt bằng laser khác nhau: bóc tách và không bóc tách. Bác sĩ da liễu sẽ xác định loại nào tốt nhất cho loại da của bạn và tính chất của sẹo mụn.
Phương pháp khác:
- Tiêm steroid: Trong phương pháp điều trị này, steroid được tiêm vào một vết sẹo lồi lên. Steroid làm mềm mô xơ, làm phẳng sẹo.
- Chất làm đầy da: Với phương pháp điều trị này, một chất được tiêm vào dưới vết sẹo lõm để nâng da lên trên.
- Lăn kim vi điểm – Microneedling: Phương pháp điều trị này sử dụng các mũi kim nhỏ lăn trên bề mặt da, cố ý làm tổn thương da của bạn để kích thích sản xuất collagen có thể làm phẳng các vết sẹo. Lăn kim vi điểm có thể được thực hiện một mình hoặc kết hợp nhiệt (tức là Máy vi mô phân đoạn RF). Máy vi mô phân đoạn RF đã được chứng minh là giúp cải thiện cấu trúc da khỏi sẹo mụn và có thể ngăn ngừa mụn hình thành thêm.
- Cắt bỏ: Với kỹ thuật này, bác sĩ da liễu sẽ rạch da, bóc tách sẹo mụn sau đó dùng chỉ khâu để đóng vết thương lại.
- Phương pháp bóc tách sẹo: Phương pháp điều trị này sử dụng một cây kim phá vỡ các dải xơ cứng để kéo mô sẹo xuống các tầng dưới trong da của bạn. Da được giải phóng và sẹo sẽ được kéo lên bề mặt da cho bằng phẳng và mềm mịn.
- Ghép da: Với phương pháp điều trị này, vết sẹo sẽ được loại bỏ giống như phương pháp cắt bỏ, sau đó ghép da từ một vùng khác trên cơ thể, điển hình là phần da sau tai, lấp đầy khu vực vết sẹo đã được loại bỏ.
- Phẫu thuật lạnh: Phương pháp điều trị này sử dụng nitơ lỏng để làm đông các mô sẹo lồi lên. Các mô sẹo chết và sau đó rụng đi.
Có cần phẫu thuật để xóa sẹo mụn không?
Đôi khi bạn cần làm tiểu phẫu để điều trị một số loại sẹo mụn. Những loại tiểu phẫu này nâng mô sẹo lên gần bề mặt da hơn để làm cho vết lõm mờ hơn. Chúng có thể loại bỏ hoàn toàn vết sẹo hoặc phá vỡ mô sẹo, kích thích collagen mới hình thành và làm phẳng vết sẹo. Phẫu thuật sẽ do bác sĩ da liễu thực hiện và bạn vẫn tỉnh táo nhưng vùng cần điều trị sẽ được làm tê để bạn không cảm thấy đau. Thường thì tiểu phẫu sẽ được kết hợp sau khi đã sử dụng những phương pháp điều trị loại bỏ sẹo mụn khác.
Làm cách nào để giảm nguy cơ bị sẹo mụn?
- Bôi kem chống nắng: Ánh nắng mặt trời rất quan trọng vì da của bạn sử dụng năng lượng ánh sáng để giúp tạo ra vitamin D. Tuy nhiên, quá nhiều ánh nắng mặt trời có thể làm thâm sẹo. Và màu da của bạn càng sẫm màu thì sẹo càng rõ.
- Không sờ, gãi hoặc nặn mụn: Gây thêm tổn thương cho da của bạn, thúc đẩy quá trình viêm và làm cho sẹo nặng hơn.
- Trị mụn ngay lập tức: Càng chờ lâu, khả năng bị sẹo càng lớn.
- Không hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ bị sẹo. Không chỉ sẹo mụn mà sẹo trên cơ thể bạn nói chung.
- Gặp bác sĩ da liễu: Nhận trợ giúp chuyên nghiệp càng sớm càng tốt! Điều trị mụn trứng cá trước khi nó bị sẹo.
Làm cách nào để ngăn ngừa sẹo mụn?
Ngăn ngừa sẹo mụn bằng cách điều trị mụn trứng cá càng sớm càng tốt! Nếu không điều trị, sẹo mụn có khả năng đeo bám bạn trong suốt quãng đời còn lại.
Sẹo mụn có thể gây ra các vấn đề về tâm lý, lòng tự trọng và cản trở cuộc sống xã hội hoặc các mối quan hệ của bạn. Đây là lý do tại sao loại bỏ mụn trứng cá trước khi nó có cơ hội để lại sẹo là điều rất quan trọng. Gặp bác sĩ da liễu của bạn để được tư vấn điều trị mụn trứng cá, làm theo hướng dẫn và bắt đầu điều trị sẹo nếu sẹo xuất hiện trong giai đoạn đầu khi bạn có cơ hội tốt nhất để giảm tổn thương da.
Mụn trứng cá là điều hết sức bình thường và sẹo mụn cũng vậy. Có những phương pháp điều trị mụn trứng cá và có những phương pháp điều trị sẹo mụn. Một vài người chọn “sống chung với” những vết sẹo mụn trong khi những người khác quyết tâm loại bỏ những vết sẹo vì nó làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày của họ quá nhiều. Bạn có thể lựa chọn điều trị hoặc không, tùy thuộc vào quyết định của bạn.
Xem thêm bài viết trên Blogphunu.edu.vn:
Nhớ theo dõi Blogphunu.edu.vn để cập nhật những tin tức về làm đẹp nhé!