Chúng ta thường được khuyên rằng phải luôn luôn sử dụng kem chống nắng trước khi ra ngoài dù trời nắng hay không? Tuy nhiên, bạn đã biết gì về kem chống nắng? Cùng Blogphunu.edu.vn tìm hiểu chi tiết về kem chống nắng từ A-Z ngay sau đây nhé!
Vì sao phải sử dụng kem chống nắng?
Bên cạnh tác dụng làm chắc xương cũng như tăng cường trao đổi chất, tia nắng mặt trời có nhiều tác hại đối với cơ thể, đặc biệt là làn da. Tia nắng mặt trời (nhất là vào thời điểm từ 10h-15h) chứa nhiều tia cực tím (UVA, UVB, UVC) sẽ:
- Gây tổn thương bên ngoài cho da như cháy nắng, mẩn đỏ, sạm da…
- Làm tăng sự hình thành các hắc tố melanin gây nên tình trạng da không đều màu.
- Làm tăng nhanh quá trình lão hóa da, khiến da mất sự đàn hồi và hình thành nếp nhăn, khô da, nám da, tàn nhang…
- Gia tăng hình thành các tế bào sừng, khiến da sần sùi, thô ráp.
- Gây ung thư da.
- Gây tổn hại cho mắt và thị lực nếu nhìn trực tiếp.
Có rất nhiều cách để bảo vệ bạn khỏi ánh nắng mặt trời, tuy nhiên kem chống nắng chính là sản phẩm bảo vệ tối ưu và hiệu quả nhất.
Các nàng có thể tìm mua kem chống nắng theo các link dưới đây:
Các loại kem chống nắng trên thị trường hiện nay
Có bao nhiêu loại kem chống nắng? Hiện nay, trên thị trường có 2 loại kem chống nắng phổ biến nhất là kem chống nắng vật lý và kem chống nắng hóa học. 2 loại kem này có thành phần, kết cấu cũng như cơ chế hoạt động khác nhau. Cùng Blogphunu.edu.vn tìm hiểu kỹ hơn nhé!
Kem chống nắng vật lý
Kem chống nắng vật lý (hay còn gọi là Sunblock) có nguyên lý hoạt động là kem không thấm vào da mà tạo một màn chắn trên da giúp ngăn chặn, phát tán để tia cực tím không thể tác động lên da với 2 thành phần chính là Zinc Oxide và Titanium Oxide.
Ưu điểm
- Bảo vệ da tốt, không cần phải thoa đi thoa lại nhiều lần.
- Lành tính, ít gây kích ứng cho da vì thành phần của kem chống nắng không hấp thụ vào da.
- Bạn có thể ra ngoài ngay khi bôi kem chống nắng mà không cần thời gian để sản phẩm thẩm thấu.
Nhược điểm
- Chất kem khá trắng, thêm vào đó, bạn phải bôi một lớp dày để tăng cường bảo vệ da, vì thế mặt bạn sẽ trắng bệch sau khi bôi kem. Đặc biệt, nếu bạn nào có trang điểm sau đó thì sẽ tạo lớp nền dày cộm, thiếu tự nhiên.
- Chất kem dày nên sẽ gây bí da, khó chịu. Kem không thấm vào da nên tạo cảm giác bí bách, đặc biệt với những bạn da dầu, da sẽ dễ bóng dầu và sạm vào cuối ngày.
- Khả năng chống thấm nước và mồ hôi không cao.
Kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học (hay còn gọi là Suncreen) có nguyên lý hoạt động là hấp thụ và thẩm thấu tia cực tím, sau đó nhờ tác dụng của kem chống nắng những tia cực tím này sẽ bị tiêu hủy, giải phóng ra khỏi da trước khi những tia này gây hại cho da. Những thành phần đặc trưng trong kem chống nắng hóa học là: Avobenzone, Oxybenzone, Sulisobenzone…
Ưu điểm
- Kết cấu mỏng nhẹ, thẩm thấu nhanh và không gây nhờn rít.
- Không nâng tông da nhiều, vì thế nhìn sẽ tự nhiên hơn.
- Chỉ số chống nắng thường cao hơn kem chống nắng vật lý nên dễ dàng sử dụng và đáp ứng nhu cầu người dùng.
Nhược điểm
- Phải cần khoảng thời gian từ 20-30 phút để kem chống nắng phát huy tác dụng bảo vệ da.
- Thành phần dễ gây kích ứng, đặc biệt đối với da nhạy cảm.
- Phải bôi lại sau 2-3 giờ nếu hoạt động ngoài trời nhiều.
Bạn có thể dễ dàng phân biệt kem chống nắng vật lý và hóa học bằng cách nhìn vào thành phần hoạt tính của sản phẩm (active ingredients) của sản phẩm. Nếu thành phần hỏa tính có Zinc Oxide và Titanium Oxide thì là kem chống nắng vật lý nhé, và ngược lại là kem chống nắng hóa học.
Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường, bạn sẽ bắt gặp các loại kem chống nắng vừa có thành phần Zinc Oxide và Titanium Oxide vừa có thành phần Avobenzone, Oxybenzone của kem chống nắng hóa học. Đó chính là kem chống nắng vật lý lai với hóa học, kem chống nắng tích hợp các ưu điểm của 2 loại trên. Và kem chống nắng vật lý lai với hóa học ngày càng được sử dụng nhiều hơn nhờ những ưu điểm vượt trội.
Chỉ số chống nắng SPF và PA thể hiện điều gì?
Chúng ta thường thấy, ở tất cả các sản phẩm chống nắng đều có thông tin về chỉ số SPF và PA với các con số khác nhau. Vậy bạn có biết chỉ số này nói lên điều gì hay không?
SPF (Sun Protect Factor): chỉ số chống tia UVB
SPF là gì? SPF là chỉ số đo lường khả năng chống tia UVB của kem chống nắng với thang số từ 1 đến 100, chỉ số SPF càng cao chứng tỏ thời gian chống tia UVB càng lâu, ngăn ngừa da khỏ bị sạm, cháy nắng, bỏng rát do ánh nắng mặt trời.
Trên thị trường hiện nay, ở các sản phẩm kem chống nắng, chỉ số SPF thấp nhất là 15 và cao nhất là 100. Ở điều kiện chuẩn, 1 SPF có thể bảo vệ được da dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian 15 phút. Vì thế, khi nhìn vào chỉ số SPF và nhân với 15 thì các bạn có thể xác định được thời gian kem chống nắng bảo vệ da tối ưu nhất.
Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, với cùng chỉ số SPF thì thời gian chống nắng trên những người da trắng sẽ ngắn hơn so với những người da tối màu. Theo đó, những người sở hữu da trắng sáng thì 1 SPF sẽ bảo vệ da trong 10 phút, người có da trung bình thì 1 SPF có thể bảo vệ da trong 15 phút và da ngăm đen, da đen thì có thể bảo vệ da trong 20 phút.
Ngoài ra, chỉ số SPF còn thể hiện được phần trăm chống tia UVB của kem chống nắng. Cụ thể, trong điều kiện hoàn hảo, với chỉ số SPF 1, kem chống nắng có thể chống được 93% tia UVB, SPF 30 sẽ chống được khoảng 97% tia UVB, SPF 50 sẽ chống được 98% tia UVB, SPF 100 chống được 99% tia UVB.
Những con số trên thể hiện nghiên cứu bảo vệ da trong điều kiện hoàn hảo, do nhiều yếu tố tác động của môi trường bạn nên bôi lại kem chống nắng sau 2-3 tiếng để bảo vệ da tốt nhất nhé!
Chỉ số chống nắng cao thì kem chống nắng càng chứa nhiều hoạt chất hóa học có thể gây kích ứng cho da nhạy cảm, dễ nổi mụn hoặc bí da. Vì thế, ở Việt Nam, kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30-50 là thích hợp để sử dụng hằng ngày, với những ngày hoạt động ngoài trời thì bạn nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số cao hơn.
PA (Protect Grade of UVA): chỉ số chống tia UVA
PA là gì? PA là chỉ số đo lường khả năng lọc tia UVA của kem chống nắng, ngăn chặn da khỏi bị lão hóa do ánh nắng mặt trời. Khác với SPF được thể hiện bằng những con số, PA thể hiện khả năng chống tia UVA bằng dấu cộng (+). Kem chống nắng có PA càng nhiều dấu (+) chứng tỏ khả năng chống tia UVA càng tốt.
Theo các nghiên cứu, PA+ có khả năng chống được 40-50% tia UVA, PA++ có khả năng chống được 60-70% tia UVA, PA+++ có khả năng chống được khoảng 80-90% tia UVA và PA++++ thì có khả năng chống được khoảng trên 90% tia UVA.
Một số lưu ý khi sử dụng kem chống nắng
Có nhiều bạn thắc mắc, vì sao khi sử dụng kem chống nắng da vẫn bị sạm đen, sử dụng kem chống nắng gây bí da… Đó có thể là bạn đã sử dụng kem chống nắng chưa đúng cách. Những lưu ý dưới đây, các nàng nên chú ý khi sử dụng để kem chống nắng có thể phát huy hiệu quả bảo vệ da tối đa:
Lưu ý khi bôi kem chống nắng
Một trong những nguyên nhân khiến bạn dùng kem chống nắng mà vẫn bị đen, sạm, cháy nắng chính là do bôi kem không đúng cách.
- Bạn phải bôi kem chống nắng mỗi ngày, sau khi thực hiện các bước dưỡng da buổi sáng và trước bước trang điểm.
- Bạn chỉ ra ngoài sau khi bôi kem chống nắng tối thiểu là 20 phút. Đây là khoảng thời gian tối thiểu để kem chống nắng có thể thẩm thấu và phát huy hiệu quả bảo vệ da.
- Dùng đủ lượng kem chống nắng. Theo các chuyên gia da liễu, để bôi toàn mặt chúng ta cần 1,2g kem chống nắng và 20-30g cho toàn bộ cơ thể.
- Để kem chống nắng thẩm thấu tốt nhất, bạn không nên miết hoặc tán kem mà hãy cho kem chống nắng ra mặt và vỗ nhẹ nhàng đến khi sản phẩm thẩm thấu hoàn toàn.
- Chú ý bôi kem chống nắng ở những vùng dễ bị bỏ quên như cổ, tai, sau gáy.
Thoa kem chống nắng kể cả khi trời không nắng và không hoạt động ngoài trời
Khi nào nên dùng kem chống nắng? Ánh sáng mặt trời mà mắt thường chúng ta không nhìn thấy được có khoảng 50-60% tia cực tím so với khi có ánh nắng. Bên cạnh đó, khi ở trong bóng râm thì tia cực tím vẫn có thể dễ dàng xuyên qua bóng cây, tường hay quần áo ảnh hưởng đến da. Vì thế bạn hãy bôi kem chống nắng mỗi ngày dù thời tiết như thế nào nhé!
Đặc biệt, với những bạn tiếp xúc nhiều với máy tính, thiết bị điện tử thì cũng cần phải sử dụng kem chống nắng. Những tia bức xạ từ máy tính có tác hại tương tự như ánh nắng mặt trời, vì thế da cũng cần được bảo vệ.
Bôi kem chống nắng sau 2-3 tiếng và luôn tẩy trang vào cuối ngày
Như đã viết ở trên, thời gian bảo vệ da bao lâu phụ thuộc vào các chỉ số chống nắng, tuy nhiên, với điều kiện môi trường xung quanh như tình trạng da bạn, mồ hôi, hoạt động ngoài trời nhiều, bạn cần bôi lại kem chống nắng sau 2-3 tiếng.
Dùng kem chống nắng có phải tẩy trang không? Nhiều bạn quan niệm rằng, không trang điểm thì không cần tẩy trang. Tuy nhiên, đây là quan niệm sai lầm. Sữa rửa mặt không thể làm sạch hoàn toàn kem chống nắng cũng như bụi bẩn sau một ngày dài. Vì thế, bạn cần sử dụng một sản phẩm tẩy trang trước khi rửa mặt để lấy sạch bụi bẩn và làm thông thoáng lỗ chân lông, hạn chế nổi mụn và nhiều vấn đề về da khác.
Các nàng có thể đọc thêm bài viết về nước tẩy trang bình dân của Blogphunu.edu.vn: 6 sản phẩm nước tẩy trang chất lượng, giá bình dân dưới 200.000 đồng
Chỉ số chống nắng không cộng dồn
Chúng ta thường nghĩ đơn giản rằng nếu thoa 2 loại kem chống nắng hoặc sử dụng phấn phủ và kem nền chứa chỉ số chống nắng thì chỉ số đó sẽ được cộng dồn. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, với kem chống nắng hoặc sản phẩm chứa chỉ số chống nắng, chỉ loại có chỉ số chống nắng cao hơn mới phát huy tác dụng. Ví dụ như, bạn dùng kem nền có chỉ số SPF là 20 và phấn phủ với chỉ số SPF là 25 thì chỉ số SPF bảo vệ da của bạn là 25.
Cách chọn kem chống nắng phù hợp với từng loại da
Bạn nên lựa chọn kem chống nắng phù hợp với loại da mình đang sở hữu để tránh da bị kích ứng, đổ nhiều dầu hơn, kem chống nắng nhanh trôi hoặc gây mụn…
Chọn kem chống nắng cho da dầu
Nếu bạn sở hữu làn da nhiều dầu, nhờn, bạn nên lựa chọn những kem chống nắng thẩm thấu nhanh, không gây nhờn rít khó chịu, tạo cảm giác khô thoáng sau khi bôi sản phẩm. Kem chống nắng dạng gel, sữa là sự lựa chọn hoàn hảo cho da dầu. Những loại kem chống nắng dành cho da dầu có những cụm từ mà các nàng nên chú ý trên bao bì như: “oil free”, “oil control”, “no sebum”, “for oily skin”…
Một số kem chống nắng dành cho da dầu, giá bình dân mà các nàng có thể tham khảo như: Senka Perfect UV SPF 50+ PA++++, Innisfree Daily UV Protection Cream No Sebum, Biore UV Perfect Protect Milk, Bioré UV Aqua Rich Watery Essence SPF 50+ PA++++…
Chọn kem chống nắng cho da khô
Với những cô nàng da khô, bạn nên lựa chọn những kem chống nắng với thành phần chứa hoạt chất dưỡng ẩm như Glycerin, HA… để đảm bảo da được cung cấp ẩm suốt cả ngày.
Một số kem chống nắng dành cho da khô mà các nàng có thể tham khảo như: SeoulRose First Essence Whitening Serum Sunscreen có SPF 45 và PA +++, Missha All Around Safe Block Soft Finish Sun Milk, Innisfree Perfect UV Protection Cream Long Lasting SPF50+/PA+++ For Dry Skin…
Chọn kem chống nắng cho da nhạy cảm
Da nhạy cảm là làn da cực khó chìu và dễ bị kích ứng, vì thế kem chống nắng hóa học sẽ không phù hợp. Bạn nên lựa chọn những loại kem chống nắng vật lý hoặc kem chống nắng vật lý lai với hóa học của những hãng dược mỹ phẩm uy tín.
Một số kem chống nắng phù hợp với da nhạy cảm mà các nàng có thể tham khảo như: Avene Very High Protection Emulsion SPF50+, Innisfree Daily UV Protection Cream Mild SPF 35 PA+++, La Roche-Rosay Anthelios XL Anti-Shine Dry Touch Gel-Cream…
Chọn kem chống nắng cho da mụn
Da mụn là loại da khó khăn trong lựa chọn kem chống nắng nhất. Với làn da mụn, bạn nên lựa chọn những loại kem chống nắng thẩm thấu nhanh, khô thoáng, thành phần lành tính, đặc biệt bạn nên tránh những kem chống nắng chứa cồn nhé!
Một số kem chống nắng dành cho da mụn như: CeraVe Baby Sunscreen Lotion SPF 45, Papulex UV High Protection Cream SPF 47 PA+++ for Acne Prone Skin, Bioderma Photoderm Spot SPF 50+ Cream…
Hy vọng, thông qua bài viết này, các nàng đã có sự hiểu biết nhất định về kem chống nắng và có thể lựa chọn được cho mình loại kem chống nắng phù hợp. Đừng quên thường xuyên theo dõi các bài viết mới nhất cùng chuyên mục của Blogphunu.edu.vn để biết thêm những bí quyết làm đẹp hữu ích nhé!
BÀI VIẾT NÀY THUỘC SERIES “Kiến thức cơ bản về da“ |
Xem bài trước : Chức năng, cấu tạo của da và các loại da |
Danh sách chi tiết các bài trong series :
|